Ngày 17/1, RFA Tiếng Việt có bài: “Đóng cửa Đài truyền hình VTC: thà bức tử còn hơn tư nhân hóa”.
Theo đó, RFA cho hay, Chính phủ Việt Nam đưa ra Kế hoạch 141, để thực thi Nghị quyết 18-NQ/TW của Bộ Chính trị, về yêu cầu sắp xếp “bộ máy tinh gọn, hiệu quả”.
Có thể thấy, chính quyền Việt Nam không cho phép sự tồn tại của báo chí tư nhân. Việc đóng cửa hàng loạt các cơ quan truyền thông hoạt động kém hiệu quả, có thể tiết kiệm được ngân sách nhưng khiến tình trạng độc quyền thông tin trở nên trầm trọng hơn.
RFA nhắc lại lời của Tổng Bí thư Tô Lâm: “chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết, để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới”. Trên thực tế, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC là đài truyền hình kỹ thuật số đầu tiên của Việt Nam. Thế nhưng đây lại là một trong những cơ quan truyền thông bị khai tử. Có gì mâu thuẫn ở đây không?
RFA dẫn lời nhà báo Nguyễn Hồng Lam, Phó trưởng Cơ quan đại diện Cục Truyền thông Công an nhân dân tại Sài Gòn, đặt vấn đề về việc đơn vị đầu tiên bị xóa sổ trong kỷ nguyên số mới bắt đầu.
Theo nhà báo Nguyễn Hồng Lam, “VTC đang khá mạnh. Biến mất vì không được tồn tại chứ không phải vì nó không thể tồn tại hay không đủ sức tồn tại”.
RFA dẫn ý kiến của một người dân ở Sài Gòn, nhận xét, “Mục đích của việc tinh giảm và sáp nhập là giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, vì vậy, không nên xóa sổ những cơ quan có thể tự chủ về kinh tế. Bởi vì để những cơ quan có thể tự chủ về kinh tế hoạt động thì nhà nước không những không tốn kinh phí mà còn thu được thuế. Tại sao không sáp nhập hay giải thể những doanh nghiệp lỗ nghìn tỷ?”.
Nhưng cũng có ý kiến không đồng tình với điều đó, xuất phát từ thực tế của các cơ quan truyền thông này. Một nhà báo đã về hưu ở Sài Gòn cho RFA biết, hầu hết các cơ quan truyền hình trong nước bây giờ thu hút được rất ít người xem, nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo không đủ để duy trì hoạt động.
RFA cho biết, VTC đã nhiều năm làm ăn thua lỗ, không còn nhiều khán giả, không bán được quảng cáo, và bị đẩy sang VOV từ năm 2015.
Từ khi thành lập năm 2008 đến năm 2015, Truyền hình kỹ thuật số VTC trực thuộc Công ty VTC, một công ty kinh doanh đa lĩnh vực như viễn thông (bán thẻ cào điện thoại), game điện tử, đào tạo… Năm 2015, Truyền hình VTC bị sáp nhập vào VOV (Đài tiếng nói Việt Nam) và cuối cùng đã bị khai tử.
Năm 2019, đài truyền hình này nợ bảo hiểm xã hội của nhân viên 15 tỷ đồng. Các khó khăn tài chính của VTC được cho là bị nhà nước nợ cung ứng kinh phí thực hiện các chương trình truyền thông “công ích”. Ngoài ra, Đài truyền hình VTC được chuyển giao cho VOV (Đài tiếng nói Việt Nam) từ năm 2015 nhưng sau 4 năm, tính đến 2019, “việc bàn giao tài sản – tài chính vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến khó khăn cho cả 2 đơn vị là Tổng công ty VTC và Đài VTC”.
Theo RFA, điều đáng chú ý là Công ty VTC, công ty chủ quản của Đài VTC từ khi thành lập đến năm 2015, hiện nay vẫn còn làm ăn được. Không ai biết lý do công ty mẹ của nhà nước này lại đẩy công ty con thua lỗ của mình sang một đơn vị khác, thay vì nuôi dưỡng nó.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không để cho các cơ quan báo chí tự thu, tự chi, tự hoạt động, vì điều đó không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước?
RFA dẫn lý giải của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, cho rằng, Nhà nước sẽ vướng vào một vấn đề nan giải nếu để cho các cơ quan truyền thông này tự thu, tự chi, tự hoạt động. Đó là nếu các doanh nghiệp này tự chủ, sống được bằng cách phục vụ người dân, họ dần dần sẽ đi theo các xu hướng đáp ứng nhu cầu tinh thần của dân trong xã hội. Lúc này nhà nước có thể mất kiểm soát.
Thu Phương – thoibao.de